Ca dao Việt Nam XHCN

Tuesday, July 21, 2009

1.
Việt Nam có một ông già
Râu dài, tóc bạc tên là Chí minh
Ông hay uống rượu một mình
Khi buồn lại rủ Trường Chinh uống cùng
Say sưa ông nói lung tung:
“Việt Nam mình sẽ sánh cùng năm châu!”
- Này ông, chuyện ấy còn lâu!

2.
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Ðồng Khởi vùng lên mất Tự Do

3.
Dép râu dẫm nát đời son trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai

4.
Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Việt Cộng về thành làm tội dân ta

5.
Năm đồng đổi lấy một xu
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy

6.
Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may-ô mới được phần may-ô

7.
Từ khi ta có Bác Hồ
nhân dân chẳng được ăn no ngày nào

8.
Lương chồng, lương vợ, lương con
Ði ba buổi chợ chỉ còn lương tâm
Lương tâm đem chặt ra hầm
Với rau muống luộc khen thầm là ngon

9.
Anh Ðồng, anh Duẩn, anh Chinh
Ba anh có biết dân tình cho không?
Rau muống nửa bó một đồng
Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân!

10.
Ai sinh ra cái củ mì ?
Hỏi: Ðể làm gì? Ðáp để mà ăn!
Nước nhà mãi mãi khó khăn
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì

11.
Dân đói mà Ðảng thì no
Sức đâu ủng hộ, hoan hô suốt ngày!
Ðảng béo mà dân thì gầy
Ðộn bắp, độn sắn biết ngày nào thôi ?

12.
Hoan hô độc lập tự do
Ðể cho tớ nhá bo bo sái hàm!

13.
Nhân dân thì chẳng cần lo [no]
Nhà nước lo sẵn bo bo mỗi ngày
Hãy chăm tay cấy tay cầy
Nhịn ăn nhịn mặc chờ ngày vinh quang

14.
Một thằng lên vũ trụ
Một thằng đi Mút-Cu [Moscow]
Nghìn thằng chè chén lu bù
Ðể dân bảy mươi triệu đói thò cu ra ngoài

15.
Nhân dân thiếu gạo thiếu mì
Mày vào vũ trụ làm gì hở Tuân?

16.
Ai lên vũ trụ thì lên
Còn tôi ở lại ghi tên mua mì

17.
Một năm hai thước vải thô
Nếu đem may áo, cụ Hồ ló ra
May áo thì hở lá đa
Chị em thiếu vải hóa ra lõa lồ
Vội đem cất ảnh Bác Hồ
Sợ rằng Bác thấy tô hô Bác thèm!

18.
Có áo mà chẳng có quần
Lấy gì hạnh phúc hỡi dân cụ Hồ ?
Có đói mà chẳng có no
Lấy gì độc lập tự do hỡi người ?

19.
Ðầu đường đại tá vá xe
Cuối đường trung tá bán chè đậu đen
Giữa đường thiếu tá rao kem

20.
Ngày xưa chống Mỹ chống Tây
Ngày nay chống gậy ăn mày áo cơm!

21.
Ở với Hồ Chí Minh
Cây đinh phải đăng ký
Trái bí cũng sắp hàng
Khoai lang cần tem phiếu
Thuốc điếu phải mua bông
Lấy chồng nên cai đẻ
Bán lẻ chạy công an
Lang thang đi cải tạo
Hết gạo ăn bo bo
Học trò không có tập
Ðộc Lập với Tự Do
Nằm co mà Hạnh Phúc!

22.
Mang danh Dân Chủ Cộng Hòa
Ði ra khỏi tỉnh phải qua cửa quyền
Xuất trình giấy phép liên miên
Chứng từ thị thực ở miền nào qua

23.
Trăm năm trong cõi người ta
Ở đâu cũng được đi ra đi vào
Xa xôi như xứ Bồ Ðào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Ðen đủi như Ăng Gô La
Người ta cũng được đi ra đi vào
Chậm tiến như ở nước Lào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Chỉ riêng có ở nước ta
Người ta không được đi ra đi vào

24.
Ðuổi dân ra khỏi cửa nhà
Bắt đi Kinh Tế thật là xót xa
Không sao sống được cho qua
Nên đành lại phải trở ra Sài Gòn
Chẳng ai giúp đỡ chăm nom
Cùng nhau vất vưởng lom khom vỉa hè
Màn sương chiếu đất phủ che
Sinh ra bệnh tật khò khè ốm đau
Nhưng mà có sống được đâu
Bộ đội kéo đến hàng xâu xúc liền
Chúng đem bỏ tại Tam Biên
Rừng sâu núi thẳm oan khiên buộc vào
Sáu ngàn nhân mạng năm nào
Thảy đều chết đói, biết bao nhục hình!

25.
Mồ cha thằng Thiệu rời dinh
Ðể tao ở lại đào kinh mỗi ngày

26.
Bắt trồng mà chẳng thu mua
Tại sao Ðảng nỡ dối lừa nhân dân?
Tiền cầy, tiền giống, tiền phân
Một trăm thứ thuế đổ thân gầy gò
Dân đói mà Ðảng thì no
Kêu trời kêu đất, kêu Hồ Chí Minh!

27.
Trồng mía, trồng ớt, trồng hành
Vì nghe lời Ðảng mà thành bể niêu
Trồng tiêu rồi lại trồng điều
Vì nghe lời Ðảng mà niêu tan tành!

28.
- Hoan hô các cụ trồng cây
Mười cây chết chín, một cây gật gù
- Các cháu có mắt nmhư mù
Mười cây chết tiệt, gật gù ở đâu ?

29.
Thi đua làm việc bằng hai
Ðể cho cán bộ mua đài mua xe

Thi đua làm việc bằng ba
Ðể cho cán bộ mua nhà lát sân

Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu, rồi tiến về đâu ?!!!

30.
Ði làm hợp tác hợp te
Không đủ miếng giẻ mà che cái L...

31.
Tôn Ðản là chợ vua quan
Vân Hồ là chợ những gian nịnh thần
Ðồng Xuân là chợ thương nhân
Vỉa hè là chợ Nhân dân anh hùng

32.
Bảo nắng mà trời lại mưa
Mấy thằng Khí Tượng đoán bừa hại tao
Trời cho một mưa rào
Mấy thằng Khí Tượng làm tao ướt rồi

33.
Thứ nhất anh Ba [Lê Duẩn], nhì Nha Khí Tượng

34.
Mất mùa là bởi thiên tai
Ðược mùa là bởi thiên tài Ðảng ta

35.
Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang qua
Có con mà gả chồng xa
Một là mất giỗ, hai là mất con!

Có con mà gả chồng gần
Nửa đêm xe đạp mang phần cho cha
Có con mà gả chồng xa [= Việt kiều]
Tháng tháng nó gửi đô-la kìn kìn

36.
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Canh khuya thao thức mạn thuyền
Biết người quân tử vượt biên chốn nào ?

37.
Bác Hồ chết phải giờ trùng
Nên bầy con cháu dở khùng dở điên
Thằng tỉnh thì đã vượt biên
Những đứa ở lại chẳng điên cũng khùng!

38.
Ông Anh, ông Kiệt, ông Mười
Dở khóc dở cười biết chọn ông nao ?
Ông nào, ông nảo, ông nao
Một đồng một cốt làm sao bây giờ ?
“Cửa mở”, phải có giấy tờ
“Ðổi mới” nhìn lại vẫn thờ mấy ông!
Ðèn cù cứ chạy lòng vòng
Dân Chủ cái còng, Tự Do đói ăn
Hạnh Phúc chú cuội cung trăng!

39.
Công nhân, vợ ốm con côi
Lãnh đạo nhà gác, xe hơi bộn bề
Bao giờ cho hết trò hề

40.
Nhà ai giầu bằng nhà cán bộ ?
Hộ nào sang bằng hộ đảng viên?
Dân tình thất đảo bát điên
Ðảng viên mặc sức vung tiền vui chơi

41.
Ai về qua tỉnh Nam Hà
Xem lũ đầy tớ xây nhà bê tông
Tờ ơi, mày có biết không?
Chúng ông làm chủ mà không bằng mày !

42.
Muốn cho điện sáng về nhà
Ruột lợn, ruột gà phải nối đến nơi

43.
Phong lan, phong chức, phong bì
Trong ba thứ ấy, thứ gì quý hơn?
Phong lan ngắm cảnh cũng buồn
Phong chức thì phải cúi luồn vào ra
Chỉ còn cái phong thứ ba
Mở ra thơm nức, cả nhà cùng vui

44.
Thanh cha [tra], thanh mẹ, thanh gì
Hễ có phong bì thì nó Thank You !

45.
Ðảng ta là đảng thần tiên
Ða-lô [dollars] thì được, đa nguyên thì đừng!

46.
Tiền là Tiên là Phật
Là sức bật con người
Là nụ cười tuổi trẻ
Là sức khỏe người già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý
Ðồng tiền là ... hết ý !

47.
Ngày đi, Ðảng gọi Việt gian
Ngày về thì Ðảng chuyển sang Việt kiều
Chưa đi : Phản động trăm chiều
Ði rồi thành khúc ruột yêu ngàn trùng!

48.
Ngày xưa chửi Mỹ hơn người
Ngày nay nịnh Mỹ chẳng ai bằng mình

49.
Chiều chiều trên bến Ninh Kiều
Dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân!

50.
Trăm năm bia đá cũng mòn
Bia chai cũng vỡ, chỉ còn bia ôm!

51.
Thầy giáo lãnh lương ba đồng
Làm sao sống nổi mà không đi thồ
Nhiều thầy phải đạp xích lô
Làm sao xây dựng cơ đồ học sinh

52.
Cô giáo phải bán bia ôm
Ôm phải học trò, ăn nói sao đây ?!

53.
Tiếc thay cây quế còn soan
Ðể cho đám mọi Ðài Loan nó trèo

54.
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Ðông
Tìm làm chi để mất công
Ðài Loan, Hàn Quốc em dông mất rồi !

55.
trách ai sinh thứ họ Hồ
Ðể cho cả nước như đồ vất đi

56.
Bác Hồ đại trí, đại hiền
Chơi Minh Khai chán, gả liền Hồng Phong
Minh Khai phận gái chữ tòng
Bác Hồ sái nhất, Hồng Phong sái nhì

57.
Ông Ðồng, ông Duẩn, ông Chinh
Vì ba ông ấy dân mình lầm than

58.
Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Ðồng
Cả ba đồng lòng giết chết con tôi

59.
Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Ðồng
Ba thằng cùng béo, vặt lông thằng nào ?
- Vặt lông cả đám cho tao

60.
Ngày xưa đại tướng cầm quân
Ngày nay đại tướng cầm quần chị em

Khi xưa trấn thủ lưu đồn
Bây giờ đại tướng trấn L... chúng em

61.
Giỏi a đồng chí Ðỗ Mười
Lớp ba chưa đỗ đã ngồi Bí Thư

62.
Vẻ vang thay lãnh tụ ta
Ðem dân xuất khẩu bán ra nước ngoài

63.
Ngày xưa giặc Pháp mộ phu
Ngày nay Ðảng bán dân ngu lấy tiền!
Ðảng ta là đảng cầm quyền
Ðảng bán ruộng đất lấy tiền Ðảng tiêu

64.
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Cúi đầu dâng đảo Trường Sa cho Tầu

65.
Tiên sư Cộng Sản Việt Nam
Cuối đời bán cả giang san nước nhà !

66.
Ông Lê Nin ở nước Nga
Sao ông lại đến vườn hoa nước này ?
Ông ưỡn ngực, ông chỉ tay
Ông xem như thể nước này của ông!

Lê Nin quê ở nước Nga
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này ?
Ông vênh mặt, ông chỉ tay:
- Tự do, hạnh phúc chúng mày còn xa
Kìa xem gương của nước Nga
Bẩy mươi năm lẻ có ra đếch gì !

67.
Dịch heo nối tiếp dịch gà
Bao giờ dịch Ðảng cho bà con vui

68.
Bao giờ Hồ cạn, Ðồng khô
Chinh rơi, Giáp rách, cơ đồ mới yên

Posted by Trùng Dương at 10:53 PM 0 comments  

Hợp pháp hay không?

Tuesday, June 23, 2009

Đoàn luật sư TP.HCM quyết định xóa tên Lê Công Định khỏi danh sách.

Câu hỏi là tòa chưa xử, trên nguyên tắc chưa thể kết luận bị can có tội hay không. Công an có thể nói bừa, chứ còn đây là các vị luật sư mà cũng có thể quyết định trong khi chưa có phiên tòa?

Khôi hài nữa là có đoạn: "ông Lê Công Định có quyền khiếu nại quyết định này đến Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận quyết định”.

Bản tin của VNN:

Vì vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư nên Lê Công Định đã bị Đoàn luật sư TP.HCM quyết định xóa tên khỏi danh sách.

Ngày 22/6, Đoàn luật sư TP.HCM (trụ sở tại 104 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1) đã có quyết định số 117/QĐ do luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) ký, về việc xử lý kỷ luật đối với luật sư Lê Công Định.


Văn bản này nói rõ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM thi hành kỷ luật xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM đối với Lê Công Định, sinh năm 1968. Quyết định nêu rõ: vì Lê Công Định “đã có hành vi vi phạm pháp luật, đã bị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam ngày 13/06/2009; vi phạm điểm g khoản 1 điều 9 Luật Luật sư, điều 1 và điều 2 quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư”.

Quyết định của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM xóa tên Lê Công Định khỏi danh sách. Ảnh: Đàm Đệ

Điều 2 của quyết định nêu rõ: “ông Lê Công Định có quyền khiếu nại quyết định này đến Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận quyết định”.

Trước đó ngày 13/6, ông Lê Công Định đã bị cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an bắt khẩn cấp theo điều 88 Bộ luật Hình sự vì có các hành vi cấu kết với bên ngoài chống phá Nhà nước Việt Nam. Đến ngày 18/6, Bộ Công an cũng đã họp báo công bố về các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Lê Công Định.

Đồng thời, Bộ Công an cũng thông báo quyết định khởi tố bị can đối với ông Định và 2 người khác là Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long cùng theo điều 88 Bộ luật Hình sự.

Đoạn video clip Lê Công Định đọc lời nhận tội. Ảnh: Đàm Đệ

Tại cuộc họp này, Bộ Công an cũng công bố đoạn video clip quay cảnh Lê Công Định đọc lời thừa nhận các hành vi phạm tội của mình và xin được hưởng khoan hồng.

Được biết, Lê Công Định từng giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM. Trước khi bị bắt, ông Định làm việc tại Công ty Luật TNHH một thành viên Lê Công Định, 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.

Posted by Trùng Dương at 4:56 AM 0 comments  

Nghi ngờ dân chủ?

Monday, June 22, 2009

Chúng ta hãy cùng nhau trở lại với thách thức thứ hai đối với thuyết dân chủ phổ quát, đó là điều tranh luận của các nhà tư tưởng như Kristol, Wilson và Dahl cho rằng dân chủ, mặc dầu rất thích hợp, nhưng vượt quá khả năng của những người không phải là Tây Phương và nghèo kém.

Lý luận này chẳng phải là điều mới mẻ gì. Một vài thập niên vừa qua, cũng đã có một số hoài nghi tương tự về khả năng dân chủ của các xã hội mà nay đã được coi là có nền dân chủ vững chắc, như Nhật Bản chẳng hạn. Khi Đệ Nhị Thế Chiến sắp kết thúc, Tổng Thống Harry Truman ra lệnh cho các chuyên viên hàng đầu về Nhật Bản làm việc ở Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thực hiện một báo cáo về chính sách của Mỹ đối với Nhật Bản khi quốc gia ấy đã bị đánh bại. Chuyên viên Joseph Grew đã thưa với ông rằng: "từ cái nhìn chiến lược dài hạn, điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng là thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến, vì kinh nghiệm đã cho thấy nền dân chủ ở Nhật Bản sẽ không bao giờ thực hiện được." Tương tự như vậy, vào năm 1952 khi sự chiếm đóng Tây Phương ở Đông Đức kết thúc, khoa học gia về chính trị nổi tiếng Hans Eulau đi kinh lý nước Đức và viết một cách rất thất vọng rằng "Nền Cộng Hòa Bonn xem ra giống như là màn trình diễn thứ hai của Weimar[*] ... với điềm báo trước hồ như là sẽ có số phận giống như cũ." Vấn đề, Eulau giải thích, là "nền chính trị Đức Quốc đã đặt căn bản không phải trên kinh nghiệm dân chủ mà đã trên sự kêu gọi tình cảm."

Khi Ý Đại Lợi chuyển qua chủ nghĩa phát xít vào những năm 1920, sử gia Arnold Toynbee viết rằng: "Sự kiện nước Ý bác bỏ dân chủ đã đặt ra một câu hỏi chưa có câu trả lời dứt khoát là phải chăng cây chính trị không thể đâm rễ vững chắc ở bất cứ nơi đâu ngoại trừ ngay trên phần đất quê hương của nó," nghĩa là Anh Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng dù có ở Hoa Kỳ, nghi ngờ thường được nêu lên về khả năng chính trị của một số công dân. Như thượng nghị sĩ Strom Thurmond giải thích ở Viện Đại Học Luật Harvard vào năm 1957: "Nhiều người da đen, đơn giản mà nói, là không đủ hiểu biết về chính trị để ... tham gia vào các sứ vụ công dân và chính trị ... một số lớn khác có lẽ cũng thiếu một số phẩm chất khác cần có trước để có thể bầu một lá phiếu thật sự khôn ngoan."

[*] Weimar là nền Cộng hòa của nước Đức giai đoạn 1919-1933. Khi đế quốc Đức bị hủy bỏ vì thất bại trong Đệ nhất Thế chiến, quốc hội Đức nhóm họp để thiết lập nền dân chủ cộng hòa tại thành phố Weimar. Cộng hòa Weimar kéo dài đến 1933 thì chấm dứt khi Hitler lên nắm quyền, qua bầu cử tự do và công khai, và thiết lập chế độ độc tài Quốc-Xã. (Ghi chú của HVCD).

Nguồn: Joshua Muravchik -Dân Chủ - Đó Là Quyền Của Tất Cả Quốc Gia

Posted by Trùng Dương at 5:40 PM 0 comments  

...Trước và sau kỷ nguyên toàn trị

Sunday, June 21, 2009

Tôi trích dịch một phần lá thư của Vaclav Havel, tổng thống cuối cùng của Tiệp Khắc (1989-92) và tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech (1993-2003). Lá thư viết ngày 17.11.2003, gửi cho Oswaldo Payá, nhà sáng lập Dự án Varela, phong trào dân chủ ở Cuba.

Lá thư chứa đựng nhiều ý đáng suy ngẫm cho những ai quan tâm đến câu hỏi 'dân chủ' ở Việt Nam. Những đoạn in đậm là do tôi nhấn mạnh.


Trong lá thư này, tôi muốn đề cập giai đoạn đầu tiên - sự chấm dứt của kỷ nguyên toàn trị của chính thể cộng sản.

Sự chấm dứt kỷ nguyên toàn trị ở Tiệp Khắc cũ được đánh dấu bằng sự run rẩy cực điểm của chính thể. Những kẻ lâu nay nghĩ rằng họ giữ mãi chức quyền bắt đầu mất bình tĩnh. Một số có lẽ bắt đầu cảm thấy sẽ phải lên kế hoạch, nếu không phải để tồn tại chính trị thì ít nhất cũng để ứng phó với thay đổi xã hội. Một nhóm những nhà bất đồng chính kiến trước đây bị dè bỉu thì nay bắt đầu được nhìn nhận nghiêm túc khi mà ngày càng nhiều công dân công khai bày tỏ thiện cảm dành cho họ.

Ngay cả chính thể toàn trị cũng thôi tảng lờ rằng những tên bất đồng chính kiến này chỉ là vài thằng điên được tình báo nước ngoài ủng hộ; và trong hai năm trước ngày sụp đổ, chính thể buộc phải can thiệp bằng vũ lực thô bạo chống lại số lượng dân chúng tham gia ngày càng đông các cuộc tuần hành kỷ niệm những sự kiện chính trị lớn. Công dân Tiệp Khắc, lần đầu tiên trong suốt 20 năm, chứng kiến trên đường phố những chiếc xe cảnh sát vũ trang cùng các đội đặc nhiệm súng ống tận răng.

Trong những khoảnh khắc đó, mọi người nhìn thấy thực tại toàn trị của cuộc sống thường nhật. Tuyên truyền trên báo chí còn đủ sức che dấu mọi chuyện trong một thời gian, vì những cuộc tuần hành đầu tiên tập trung chủ yếu tại thủ đô. Nhưng tinh thần dân chúng ngày càng bạo dạn hơn, lòng tự tin của họ tăng lên.

Chính thể đáp trả bằng nhiều biện pháp hạn chế, nhưng chúng chỉ tạo ra những phản ứng thêm bạo gan hơn của công dân nước tôi. Ví dụ, tôi nhớ quyết định quan trọng của nhiều nghệ sĩ, trong đó có dàn nhạc nổi danh Czech Philharmonic, từ chối biểu diễn cho truyền thông trong nước trừ phi giới truyền thông dành chỗ cho những người mang quan điểm chính trị đối kháng.

Nhiều tháng trước khi chính thể sụp đổ - một điều chúng tôi không hề hình dung sẽ xảy ra - chúng tôi viết kháng thư kêu gọi ban lãnh đạo đất nước mở đối thoại với phe đối lập. Hàng chục ngàn người không ngần ngại ký vào thư. Tôi cũng nhớ vai trò quan trọng của một xướng ngôn viên đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, là bạn của tôi, người mỗi ngày trong buổi phát thanh tới Tiệp Khắc lại đọc tên những nhân vật nổi bật đưa tên mình vào danh sách.

Chính thể dễ dàng đối phó với một nhúm bất đồng chính kiến trong tù, nhưng họ ngỡ ngàng trước số lượng những người chống đối công khai. Trước đó, chính quyền vẫn để yên cho những ý kiến khác biệt bày tỏ nơi riêng tư, nhưng không cho phép có chống đối công khai. Nhưng nay trong tình hình mới, càng có thêm nhiều công dân có can đảm giũ bỏ sự nặc danh. Chính thể gặp khó khi tiếp tục phản ứng theo cách lâu nay - áp đặt lệnh cấm, hình sự hóa những người chống đối. Sự tự tin của người dân gia tăng, và sự đối đầu, trước đây che dấu, nay hiển hiện khắp nơi. Ngoài ra còn là sự đối đầu mang tính chất thế hệ, khi những đứa trẻ đứng lên tuyên chiến với thế giới của bố mẹ đầy rẫy những ngôn từ trống rỗng.

[...]

Có thể làm gì trong tình huống như vậy?

Dựa trên kinh nghiệm của tôi, sự đoàn kết quốc tế là quan trọng trong thời điểm này. Sự đoàn kết cần được các chính phủ tự do cũng như cá nhân bày tỏ. Những quốc gia dân chủ cần đặt quan hệ với ban lãnh đạo toàn trị với điều kiện thả những tù nhân lương tâm và nới lỏng hạn chế đối với tranh luận tự do trên toàn quốc. Các quốc gia dân chủ cần dành vị trí đối tác cho bất kỳ ai mang tinh thần dân chủ, cho dù họ có nắm chức vụ chính trị hay không.

Ngoài ra, cần có sự đoàn kết kinh tế. Gần đây tôi đề nghị thành lập Quỹ Cuba để hỗ trợ những gia đình bị đàn áp, cùng các hoạt động khác của thành phần đối lập dân chủ. Tôi mạnh mẽ tin rằng Liên hiệp châu Âu sẽ thỏa thuận được với nhau về các bước hỗ trợ cụ thể cho những nhà dân chủ Cuba.

[...]

Tôi muốn các bạn chú ý một quan sát này của tôi: Dù các bạn có chính trực tới đâu, dù các bạn có thể là những nhà phản kháng dũng cảm và đáng trọng, dù các bạn có thể đã bị tù nhiều năm hay viết những tác phẩm thông tuệ, những chính khách thực dụng ở thế giới dân chủ có thể nghi ngờ rằng các bạn chỉ là những kẻ hay la làng, suốt ngày cằn nhằn, hơi điên khùng và luôn bới móc. Sự nghi ngờ đó có thể dẫn tới ý kiến sau đây: Chúng ta có thể ủng hộ bọn chúng mang tính biểu tượng, nhưng nhìn từ quan điểm chính trị thực tiễn, không cần phải dựa vào chúng; chúng nó không phải là đối tác cho chúng ta.

Ấy thế nhưng điều ngược lại mới đúng. Rất cần phải thuyết phục giới chính trị gia ở các nước dân chủ về điều này, cũng là điều tôi đã cố gắng làm suốt nhiều năm.

[...]

Như các bạn biết, Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc xảy ra khi mà chúng tôi những nhà bất đồng chính kiến không hề chuẩn bị để chiếm quyền lực từ tay chính thể, đã bị sụp đổ trong vòng vài tuần. Nếu tôi cần nhấn mạnh một điều cụ thể, thì điều đó là:

Mỗi nhà dân chủ chống lại chính thể toàn trị ngày hôm nay cần hành xử như thể quyền lực sẽ được chuyển giao ngày mai.

Chúng tôi đã bị ngạc nhiên khi hệ thống cộng sản kiệt lực sụp đổ quá nhanh, và chúng tôi không chuẩn bị cho việc nắm quyền ngay lập tức. Vì thế chúng tôi buộc phải ra những quyết định tối quan trọng, trong hoàn cảnh đầy sức ép, chỉ trong vài ngày - đôi khi vài giờ.

Nhưng chính những khoảnh khắc đầu tiên khi chuyển giao quyền lực lại là quan trọng nhất. Vào lúc ấy, những quyết định đưa ra sẽ ảnh hưởng số phận của đất nước đến nhiều năm sau. Những gì chúng tôi không làm ở phút ban đầu, chúng tôi sẽ phải làm đuổi về sau, với nhiều khó khăn hơn.

Chúng tôi đối diện với sự thực là chúng tôi đã không chuẩn bị một nội các, đã không chọn lựa những người có tài có thể được trình ra trước nhân dân như là những ứng viên thay thế cho quốc hội cũ rệu rã. Hầu như chúng tôi không chuẩn bị luật lệ căn bản cho các cấu trúc dân chủ sơ khai và cho nhu cầu bảo đảm kinh tế quốc gia trong những tháng sau đó. Không có luật lệ rõ ràng, thì những kẻ mau lẹ chớp thời cơ xuất hiện cũng chính là những kẻ mà anh đã nêu trong thư của anh - đó là những kẻ xem hệ thống nào cũng được miễn là làm bình phong cho tham vọng của chúng, những kẻ thối nát có khả năng làm bất kỳ chuyện gì và có lợi thế kinh tế vì những chức vụ chúng giữ trước đây.

Điểm cuối nhưng không kém quan trọng, người ta cũng cần xem xét ai trong số giới chính trị gia hiện thời có thể trở thành đối tác thương lượng tốt nhất nếu xảy ra cơ hội chuyển giao quyền lực.

Anh giả điếc

Thơ Nguyễn Khuyến.

Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ "sáng tai họ, điếc tai cày",
Lối điếc ấy sau này em muốn học.
Toạ trung đàm tiếu, nhân như mộc
Dạ lí phan viên, nhĩ tự hầu. (1)
Khi vườn sau, khi ao trước; khi điếu thuốc, khi miếng trầu.
Khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu;
Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc
Điếc như thế ai không muốn điếc?
Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!
Hỏi anh, anh cứ ậm à.

1. Hai câu chữ Hán ý nói: khi mọi người ngồi nói chuyện và cười cợt thì ngây ra như gỗ, nhưng đêm khuya leo trèo thì lanh lẹn như con khỉ.

Posted by Trùng Dương at 12:25 AM 0 comments  

Blog Change We Need tái xuất?

Saturday, June 20, 2009

Bộ Công an nói Trần Huỳnh Duy Thức, người bị bắt trước Lê Công Định, chính là chủ nhân của blog Change We Need.

Nhưng hôm nay blog này xuất hiện trở lại, và người tự nhận là chủ đăng bức thư trao đổi trước đây với ông Thức. Chưa rõ thực hư thế nào, dù sao cũng vẫn nên ghé qua xem.

Lý tưởng?

Bài này của Cao Tự Thanh viết về trường hợp Lê Công Định, có vài điểm đáng chú ý. Hóa ra nhà Nho học đã từng dự đoán trúng là luật sư Định sẽ gặp nạn.

Qua đây lại càng thấy có khoảng cách rất lớn giữa giới trí thức tạm gọi là "cấp tiến" trong nước và những vị tự nhận đấu tranh dân chủ ngoài nước. Như cái mailing list "bauxite" của bác Nguyễn Huệ Chi giờ đang thành cái chợ lổn nhổn không đầu đũa giữa quý vị hải ngoại và trong nước.

Trên BBC, Vũ Quí Hạo Nhiên muốn làm spin doctor cho anh Định. Bài của Hạo Nhiên có thể thỏa mãn những người vốn đã cùng suy nghĩ như tác giả, muốn vớt vát cho Định. Nhưng nó không đủ thuyết phục những ai đã bị bất ngờ và thất vọng.

Posted by Trùng Dương at 4:55 PM 0 comments